Chia sẻ nhân ngày Thuyền viên thế giới” của IMO 25 tháng 6 năm 2019

Thứ Năm, 13/06/2019, 15:25 GMT+7

THUYỀN VIÊN – NHỮNG NGƯỜI ĐÁNG ĐƯỢC NGỢI CA

Chia sẻ nhân ngày Thuyền viên thế giới” của IMO 25 tháng 6 năm 2019

Thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh

Không cần phải nói, mỗi chúng ta đều hiểu biết rõ thực sự vận tải biển đã làm công việc gì cho nhân loại. Không ít người đã nhìn thấy tận mắt những con tàu to lớn và hiện đại như những tòa nhà, chứa đầy ắp hàng hóa khi nó ra vào các bến cảng. Nhưng không phải ai cũng biết đằng sau sự hào nhoáng đó, ngành công nghiệp này còn ẩn chứa biết bao bí ẩn và hấp dẫn về những gì diễn ra giữa đại dương, về đội ngũ thuyền viên dũng cảm đã thực hiện một trong các công việc khó khăn nhất thế giới để vận hành những con tàu đó vượt qua các điều kiện nguy hiểm và khắc nghiệt của thiên nhiên ra sao ! Rõ ràng nếu không có sự cống hiến của họ thì làm sao nền thương mại các quốc gia và thế giới phát triển, làm sao có toàn cầu hóa, làm sao thỏa mãn nhu cầu vật chất phong phú, đa dạng của con người ?

Thuyền viên đã từng không được các tổ chức quốc tế coi trọng đúng mức chí ít cho đến khi tổ chức IMO được thành lập và nhất là khi Công ước Lao động Hàng hải MLC ra đời năm 2006. Thậm chí nghề đi biển không được đánh giá cao ở một số quốc gia. Đằng sau bộ đồng phục hào nhoáng với đầy đủ sao mũ trong ngày đầu cập cảng và vào dịp lễ hội cùng những chuyến du hành thích thú khắp thế giới đầy hiếu kỳ của sĩ quan thuyền viên, bạn có thể nhìn thấy từ sâu xa cuộc sống khắc nghiệt mà họ đang trải nghiệm và những khó khăn mà họ phải chịu đựng trên biển để đảm bảo cho mỗi con người trên thế giới tiếp tục hưởng thụ cuộc sống vật chất đầy đủ trên đất liền theo đúng nghĩa đen của nó.

Thuyền viên, những người lao động cần cù trên biển thực sự đang “vận hành” guồng máy cực kỳ to lớn của nền kinh tế toàn cầu. Không khó để hình dung một con số vô cùng ấn tượng, trên 90% lượng hàng hóa gồm lương thực, nhiên liệu, nguyên liệu thô và hàng chế tạo trên thế giới được luân chuyển trong nền kinh tế của thế giới đều thông qua ngành công nghiệp đặc biệt này - ngành vận tải biển. Đó là một ngành công nghiệp vô hình cực kỳ quan trọng đối với sự tồn vong của cả loài người.

Thế giới sẽ ra sao nếu không có các con tàu biển cùng những người đi biển dũng cảm với các kỹ năng đi biển chuyên nghiệp, lành nghề mà ta gọi là thuyền viên để điều khiển, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các con tàu đó đảm bảo chúng hoạt động liên tục với hiệu quả cao nhất. Không cần phải nói, thế giới sẽ ngưng trệ, con người sẽ thiếu thốn những nhu cầu cơ bản thiết yếu của họ khi không tồn tại những con tàu và người điều khiển nó. Mặc dù người đi biển làm việc trong một cộng đồng khép kín, điều mà người ngoài khó nhìn thấy, nhưng hoạt động của họ là không thể thiếu trong xã hội hiện đại.

Đối với chúng ta những người sống trên đất liền, nhìn biển bao la lúc nào cũng cảm thấy nó đẹp lung linh, êm ả, hiền hòa và nên thơ. Nhưng bồng bềnh giữa đại dương thơ mộng nhưng tính khí thất thường, những con tàu dù đã được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại vẫn như chiếc lá tre bé nhỏ dạt trôi trên sóng nước, bị vùi dập bất cứ lúc nào khi biển cả nổi cơn thịnh nộ.

Con người phải điều khiển những con tàu từ cảng này đến cảng khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác, có khi trải qua hàng tháng trời trên biển, phải vượt qua nhiều vùng biển trong vài châu lục. Nhưng điều đó không thắm tháp gì bằng thử thách phải vượt qua những con sóng khổng lồ, những cơn bão điên cuồng của đại dương trên suốt hải trình tưởng chừng như con người dù với ý chí gang thép cũng khó chịu đựng. Năm nào cũng có một vài con tàu bị chìm đắm trong gió bão, mất tích, mắc cạn, đâm va … nhưng người đi biển không bao giờ sợ hải, nao núng, chùn bước. Bằng mọi giá, hàng hóa phải được vận chuyển đến đích và đúng hạn. Nếu bạn cho rằng làm việc trong môi trường như vậy là dễ dàng và thích thú thì bạn đã nhầm. Không phải ai cũng có thể chịu được những điều kiện làm việc khắc nghiệt, nguy hiểm như vậy. Những người làm việc trên bờ không thể hiểu hết các điều kiện mà người đi biển phải đối mặt.

Nhưng những thử thách đó vẫn không thấm vào đâu so với những chịu đựng về tinh thần mà mỗi thuyền viên phải đối mặt, không có cách thay thế nào khác. Đó là sự xa cách những người thân yêu của họ khi họ phải xa nhà để lênh đênh trên biển cả. Họ không có mặt trong ngày sinh nhật của vợ con. Họ không thể hiện diện để chia sẻ niềm vui, nổi buồn trong gia đình, bà con, bè bạn. Họ không thể nào chăm sóc lo lắng cho vợ con, cha mẹ, người thân lúc ốm đau bệnh tật. Đối với họ tình yêu và lòng chung thủy trở thành những thử thách nghiệt ngã khó nếm trải, họ chỉ sống bằng niềm tin và hy vọng. Họ buộc phải xa cách môi trường xã hội mà họ đang sống một thời gian dài; đôi khi trở nên lạ lẫm với môi trường đó khi họ trở về sau năm tháng lênh đênh trên đại dương. Đắm chìm trong những thử thách nghiệt ngả đó, không ít thuyền viên đã không vượt qua được các vấp ngã và ... rời bỏ cuộc chơi.

Chỉ nhìn bề ngoài thì đâu có biết công việc của thuyền viên vất vả ra sao. Trong một tập thể nhỏ bé, có khi đa quốc tịch, mỗi người phải hoàn thành chức trách của mình một cách chăm chỉ ngày và đêm theo ca kíp không thể dừng lại, không thể trì hoản, bất chấp điều kiện thời tiết nắng mưa, sóng to gió lớn để điều khiển con tàu, vận hành máy móc, bảo dưỡng sửa chữa trang thiết bị. Mỗi con người là một mắc xích trong nhóm làm việc, mỗi nhóm làm việc là một mắc xích trong toàn bộ dây xích làm động lực cho con tàu. Trục trặc một mắc xích là chậm trể cả hải trình, hoặc có khi dẫn tới rủi ro.

Từ xưa cho đến nay, các con tàu chứa đầy hàng hóa với giá trị kinh tế cao là đối tượng không thể bỏ qua của cướp biển. Một số các con tàu đã bị cướp biển bắt giữ nhiều thủy thủ đã bị giam cầm để làm con tin đòi tiền chuộc. Họ bị tra tấn, lạm dụng, và giam giữ trong điều kiện khốn khổ như tù nhân. Cho đến tận bây giờ, các sự kiện cướp tàu bởi hải tặc vẫn không dừng lại.

Những khu vực có cướp biển thường nằm trên những tuyến đường biển quan trọng nhất chuyên chở thực phẩm, thuốc men, các loại sản phẩm và nguyên liệu. Gần một nửa nguồn cung cấp dầu mỏ trên thế giới đi qua các khu vực bị cướp biển quấy nhiễu. Tuy nhiên, bất chấp mọi rủi ro và sợ hãi, các thuyền viên tiếp tục làm công việc của họ tại các khu vực nguy hiểm này. Chỉ cần tưởng tượng những gì sẽ xảy ra với nền kinh tế thế giới nếu những người đi biển từ chối làm việc trong những khu vực đó ? Bạn đã tự có câu trả lời.

Hơn nữa, khi cần, các con tàu thậm chí phải chạy qua các vùng chiến tranh giúp vận chuyển hàng hóa và đồ tiếp liệu nhu yếu phẩm cho chiến sự. Trong hoàn cảnh đó thì sự hy sinh của họ chẳng khác gì các chiến sĩ ngoài mặt trận. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thực tế thuyền viên VN trên các đội tàu Giải phóng, Tự lực và Quyết thắng đã từng đảm nhiệm công việc này trong tuyến lửa …góp công sức vào thống nhất đất nước.

Từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, lực lượng thuyền viên phục vụ cho ngành vận tải biển non trẻ Việt nam đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp vận tải biển nước nhà. Không lâu sau khi hòa bình lập lại trên đất nước bị tạm thời chia cắt từ 1954 và nhất là sau khi tổ quốc thống nhất năm 1975, các con tàu lớn do chính thuyền viên Việt nam điều khiển đã vươn tới nhiều châu lục trên thế giới để phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước.

Từ con tim chúng ta tôn vinh và bày tỏ lòng cám ơn sâu sắc đến tất cả thuyền viên VN nhân Ngày thuyền viên thế giới.

Tuy nhiên giờ đây ngành vận tải biển Việt nam với chiến lược phát triển đến năm 2020 để trở thành một quốc gia biển hùng mạnh đang đứng trước những thách thức không dễ vượt qua. 
Vận tải biển VN đã bắt đầu hồi phục và phát triển dù với tốc độ chậm. Tính đến tháng 12/2018, đội tàu biển Việt Nam đã có 1.593 tàu (trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.128 tàu) với tổng dung tải 4,8 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT. Con số này bao gồm cả tuyến tàu vận tải ven biển. Đội tàu của VN đang đứng hàng thứ tư trong các nước Đông Nam Á. Sự phát triển khá ấn tượng của đội tàu trong thời gian qua đã giúp tổng sản lượng vận tải biển tăng mạnh cùng với các thị phần khác được dần lấp đầy.

Trong khi vận tải biển nước nhà đang hồi phục và phát triển và nhu cầu xuất khẩu lao động thuyền viên ngày càng gia tăng thì ngược lại nguồn nhân lực phục vụ cho mục đích này đang có dấu hiệu thụt lùi. Chúng ta đang đối mặt với thực trạng thuyền viên Việt nam “vừa thừa vừa thiếu”, thừa vì nhiều người sau khi được đào tạo không đủ khả năng chuyên môn để đi biển trong khi thiếu nhiều thuyền viên đủ trình độ chuyên môn cho nhu cầu phát triển và xuất khẩu lao động ra nước ngoài . Việc tìm kiếm thuyền viên, đặc biệt là thuyền viên có thể làm việc cho tàu ngoại đã trở nên rất khó khăn mặc dù con số thuyền viên được đào tạo mấy năm vừa qua không nhỏ.

5 năm qua, số lượng thuyền viên Việt Nam có chiều hướng giảm mạnh. Nếu năm 2014, số lượng thuyền viên lên đến hơn 45 nghìn người, đến tháng 5/2018, con số này giảm xuống chỉ còn hơn 39 nghìn người. Trong đó, chức danh thủy thủ giảm mạnh nhất.

Các nhà quản lý cần tìm căn nguyên gốc rể của vấn đề này. Thực ra thuyền viên Việt nam đang chịu nhiều thiệt thòi, nhiều điều bất hợp lý trong khi hành nghề. Mặc dù từ 01.01.2015 đã có luật miễn thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên. Nhưng họ thường bị nợ lương, quỵt lương từ chủ tàu, bị một số công ty tư nhân tuyển dụng lừa gạt, chiếm dụng quyền lợi. Đặc biệt họ chưa nhận được đầy đủ các chính sách bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, chưa có một tổ chức đại diện đầy đủ quyền lực đứng ra đấu tranh đòi thực thi các chế tài bồi thường, liên quan đến quyền lợi mà họ đáng được hưởng, phát sinh khi họ làm việc trên tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài kể cả các trường hợp thuyền viên hồi hương, bị thương hoặc tử vong.

Ngày thuyền viên 25 tháng 6 của IMO ở Việt nam nhiều năm trước đây đã trôi qua lặng lẽ, không có một cơ quan chuyên trách nào lên tiếng. Dư luận xã hội, các phương tiện truyền thông ít người biết có một ngày quốc tế giành cho những người đi biển như vậy. Chúng ta mong muốn toàn quốc có một ngày dành riêng cho thuyền viên để động viên khích lệ thuyền viên Việt nam và khuyến khích thanh niên chọn nghề đi biển.

Và điều tất yếu đã đến, thuyền viên bỏ nghề ngày càng đông, học sinh thi vào các khoa đi biển của các trường hàng hải ngày càng ít. Đó là hồi chuông cảnh báo cho các cấp quản lý.

Bức phá và đổi mới, bớt lý thuyết tăng cường thực hành trong công tác đào tạo là một yêu cầu bức thiết. Làm sao giảm thời gian từ sau khi ra trường cho đến khi thi lấy bằng sĩ quan chỉ trong vòng một năm. Cải tiến cách dạy ngoại ngữ sao cho thực dụng hiệu quả… Nhà nước cần nghiên cứu và ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ đào tạo và khuyến khích nghề đi biển là một việc cần làm trước khi quá muộn. Các công ty tích cực hỗ trợ thực tập cho sinh viên ngay trong từng khóa học thay vì chỉ ngồi kêu ca phàn nàn thiếu thuyền viên.

Nói xuôi rồi cũng phải nói ngược. Là thuyền viên, chúng ta cũng phải tự xem xét bản thân, chúng ta đã đem hết tâm trí học hành và phấn đấu cho nghề nghiệp ra sao ?

Với những gì trình bày ở trên, thuyền viên nói chung xứng đáng nhận đươc sự vinh danh, tôn trọng và lời cám ơn của mọi người.

Đối với thuyền viên VN, sự quan tâm của nhà nước và xã hội đối với họ, một nghề nghiệp đặc thù, sẽ là nguồn động viên khích lệ thanh niên không ngại ngần thách thức tiến ra biển lớn như là một sự lựa chọn nghề nghiệp khôn ngoan để lo toan cuộc sống cho bản thân đồng thời dốc lòng kiến tạo một quốc gia biển hùng mạnh.

Tôi tin rằng đại dương bao la sẽ là môi trường lý tưởng rèn luyện nghị lực thép của thanh niên ta và họ sẽ mãi được vinh danh trong trái tim của mọi người. Kỳ vọng ngành hàng hải của Việt nam sẽ tiếp tục phát triển xứng đáng với vị thế của đất nước án ngữ dọc Biển Đông. Chắc chắn rằng thuyền viên Việt nam sẽ giữ vai trò then chốt trong sự phát triển đó, họ đang và sẽ tiếp tục cống hiến…

 

  Đường dây nóng
  Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP.HCM
 (đang cập nhật)
 (028) 38292608
  • Số người truy cập:201258
  • Đang online:2